2012/12/18

8.Chuyện Hội Văn Học Nghệ thuật Đồng Nai.(Phần Bốn)


17:16 11 thg 1 2012Công khai317 Lượt xem2

         Đã nói là Đào Trọng Thử rất giỏi gây chú ý cho mọi người. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về anh. Chờ đợi. Anh định nhử cho quái vật hiện nguyên hình rồi bất ngờ phóng lao diệt gọn chăng? Anh chững chạc kính thưa
           
DSCN6481.JPG
                                  Nhà thơ Đào Trọng Thử phát biểu
    “Kính thưa ban Lãnh đạo Hội.
      Kính thưa các anh chị Hội viên ban Văn học.
      Kính thưa…
      Người Việt Nam từ xa xưa đã có những câu ngạn ngữ nổi tiếng như“Không có lửa thì không có khói”, “Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Bài thơ của tác giả Tú Thịt Hộp làm theo tinh thần của các câu ngạn ngữ ấy(Đọc bài thơ, bấm vào đây), khi đến chúng ta thì chẳng khác nào giọt nước làm tràn ly nước…đục!
         Bởi quá búc xúc về những vấn đề của Hội VHNTĐN suốt nhiều năm qua cho nên Tú Thịt Hộp đã dung hình thức thơ để phản ánh. Tiếc rằng một số từ ngữ mới nghe qua thì có vẻ như hơi xúc phạm đến một số người cho nên mới có cuộc họp này.
        Phần mổ xẻ bài thơ- tìm “thủ phạm” tôi xin dành cho các hội viên khác.
         Riêng tôi, trong “cuộc họp trao đổi” này, xin được phát biểu bằng văn bản, chủ yếu về 3 vị Lãnh đạo của hội từ năm 2002 cho đến tháng 12 năm 2011, như sau:
■Những ưu điểm tôi xin không nêu ra dài dòng ở đây, vì không có đủ thời giờ.
■Chỉ xin nêu lên những mặt yếu kém của 3 vị:
          I/ Ông họa sĩ NGUYỄN NAM NGỮ- chủ tịch Hội VHNTĐN nhiệm kỳ 2002-2012:
1/Nhân cách: Đây là một cán bộ của Đảng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa- Thông tin trong tỉnh. Nhìn chung ông là một cán bộ không có tai tiếng về phẩm chất đạo đức, mẫn cán, không trai gái, rượu chè bê tha, được lòng cấp trên. Với cấp dưới ông cũng không trù dập ai. Riêng tôi cũng được ông chú ý.
Nhưng để lãnh đạo một hội VHNT của một tỉnh lớn như Đồng Nai thì quả là quá khả năng của ông. Vì mấy lý do sau:
2/Về chuyên môn: Tiếng là một họa sĩ nhưng họa sĩ cũng có dăm- bảy loại, ông được xếp vào hạng cuối của danh hiệu ấy. Suốt nhiều năm qua chúng ta chưa thấy một tác phẩm nào của ông có thể tạm gọi là tranh để cho chúng ta xem, chúng ta nhớ, chúng ta khen, chúng ta học tập… Có chăng chỉ là những bức ký họa về một số hình ảnh anh bộ đội thời chống Mỹ. Ở đây xin được nói rõ: Ký họa không thể gọi là tranh vì nó mới chỉ là những ghi chép bằng bút sắt, bút chì… Từ những ghi chép ấy để làm ra tranh còn nhiều công đoạn đòi hỏi tài năng và công sức. Điều này chúng ta không thấy ở ông chủ tịch Hội. Đây là một thiệt thòi lớn cho người lãnh đạo nghệ thuật.
Hội viên chỉ thực sự nể trọng, tâm phục, khẩu phục người lãnh đạo họ khi ông ta thật sự có tài(Dù cho đó là chủ tịch của một hội chăn nuôi lợn thì ông ta cũng thuyết phục hội viên bằng tài năng chăn nuôi của mình).
3/Về phần lãnh đạo hành chính sự nghiệp: Tôi cho rằng sau khi đủ 60 tuổi từ bên văn hóa-thông tin nếu như cấp trên thật sự chú ý đến việc kiện toàn tổ chức Hội VHNTĐN, xây dựng nó thành một hội đoàn kết, vững mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai thì không đưa ông Nam Ngữ về ngồi ghế chủ tịch và nếu ông biết tự trọng, biết dừng đúng lúc, đúng chỗ không tham quyền cố vị, về nhà vui cảnh điền viên phù hợp với tuổi tác và tài năng về chiều của mình thì sự thể đã hoàn toàn khác.
         Năm năm nhiệm kỳ đầu ông làm chủ tịch đã để lại nhiều sai sót khuyết điểm, nội bộ mất đoàn kết đã diễn ra. Đến nhiệm kỳ 2, toàn thể Hội viên bàng hoàng, sửng sốt khi nghe ông trúng cử ban chấp hành và lại được cử làm chủ tịch. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác không tin dù đó là sự thật. Thế là dằng dặc 10 năm Hội VHNTĐN chịu trận đi dưới sự cầm quyền của chủ tịch họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ.
(Phát biểu đến đây, tôi chợt nhớ câu nói nổi tiếng của giáo sư Trần văn Giàu mà nhiều người đã biết đến. Câu đó như sau: “ Cái đít nó có trí nhớ, nó nhớ cái ghế”)
Mũi dại thì lái chịu đòn. Lẽ đời là vậy. Nhưng rồi mọi sự vẫn “thành công tốt đẹp” và chủ tịch của chúng ta vẫn được tiếng là một chủ tịch chiếm kỷ lục về số năm làm quan văn nghệ dài nhất, tai tiếng cũng nhất, và rồi sẽ hạ cánh an toàn nhất. Lạy thánh A La!
Sự thật là chúng ta thấy gì trong 10 năm qua, khi ông chủ tịch ra tay chèo chống con thuyền thiên- ngôi đền thiêng của Hội? Văn phòng Hội – ngôi đền thiêng, những tưởng là nơi đây là nơi tụ hội văn nghệ sĩ cùng nhau sum họp trao đổi sáng tác lại trở thành nhà hoang càng ngày càng bị Hội viên xa lánh! Nội bộ bất đồng! Hỡi ôi!
         Tôi thấy nổi lên rõ nhất là tình trạng mất đoàn kết ngày càng trầm trọng. Bằng mặt mà không bằng lòng, nhiều sự việc từ bé đến lớn ông thường bị cấp phó qua mặt, thao túng. Đã thế ông lại rất bảo thủ… Chung qui đều do ông chủ tịch không có cái uy của nhà cầm quân. Thí dụ thì nhiều. Tôi xin đơn cử 2 việc nổi cộm:
Việc thứ nhất: Cuốn “Tuyển tập 30 năm Văn Nghệ Đồng Nai” đã để lại cho Hội ta một vết nhơ về chuyên môn và nghiệp vụ. Thế nhưng ông vẫn phủi tay tuồng như vô can để cho cấp phó mặc tình thao túng. (!?)
● Việc thứ hai: Vụ truyện ngắn “Cướp cò” nếu chiểu theo chế độ trách nhiệm thì chính ông chứ không phải ai khác phải chịu kỷ luật vì đã không đủ chuyên môn  để uốn nắn dìu dắt tác giả . Bởi vì, cũng chính tác phẩm đó, khi mà được xã hội vinh danh thì ông lại là người được thơm lây bởi chức danh chủ tịch lãnh đạo, còn khi tác giả bị nạn thì lẽ nào lại chịu một mình cho ông vô can(!?)
Một vấn đề nữa theo tôi thuộc về tư cách của một nhà lãnh đạo, ấy là ông chủ tịch đáng lý trong các cuộc họp của hội viên thay vì ngồi nghe là chính thì ngược lại ông ôm hết diễn đàn nói tràng giang đại hải- nói mất phần người khác làm cho nhiều người lắc đầu ngao ngán. Nhưng đấy là một thứ bệnh khó chữa. Cho đến lúc này thì ông cũng không cần phải chữa nữa rồi!
                        II/ Nhân vật thứ hai: Nhạc sĩ KHÁNH HÒA.
1/Về đức: Ông Khánh Hòa cũng là một cán bộ tốt mặc dù giao tiếp kém, công tác quần chúng thiếu hòa đồng với cấp dưới, trình độ về chuyên môn chỉ là một nhạc sĩ ở cấp của một câu lạc bộ. Ngoài ra ông không am hiểu về các lĩnh vực khác thí dụ đọc một bài thơ ông không hiểu được bài thơ ấy hay ở chỗ nào, ông chăm chăm moi móc xem bài thơ ấy, bài văn ấy có câu chữ nào không ca ngợi về chính trị hay không? Xem một bức tranh, một tấm ảnh, một pho tượng thì cũng rứa! Vả lại ông cũng không còn trẻ nữa vì thế việc trau dồi kiến thức về các lĩnh vực văn hóa – văn nghệ đối với ông là cả vấn đề…
2/Phần lãnh đạo: Nguyễn Khánh Hòa nguyên là cán bộ chủ nhiệm  một câu lạc bộ Văn –Thể- Mỹ của một công ty Cao Su. Chỉ sau một đêm  được rút về, ông nghiễm nhiên trở thành Phó chủ tịch thường trực của một Hội to, ở tỉnh Đồng Nai rộng lớn. Quả là quá sức tưởng tượng đối với chính ông và toàn thể gần 200 hội viên trong Hội.!!!
        Dòng nước nhỏ từ một khe suối nhỏ chảy róc rách tháng ngày trong rừng sâu, đùng một cái bỏ qua sông lớn chảy thẳng ra biển Đông mênh mông thì chính nó đã bị choáng ngợp lạc dòng, mất phương hướng. Đó là lẽ thường tình!
Đang lãnh đạo một câu lạc bộ bé nhỏ bỗng nhiên được đến một môi trường rộng lớn, lại được thăng chức một cách dễ dàng mau lẹ, thử hỏi ông phó chủ tịch không lúng túng sao được? Khi còn ở Suối Tre Khánh Hòa không thể ngờ rằng bệnh tình của hội VHNTĐN lại trầm kha và phức tạp đến thế. Tội nghiệp cho ông! Nhưng xem ra ông vẫn nuôi hy vọng, mơ ước ngồi vào chiếc ghế chủ tịch trong nhiệm kỳ tới. Xin thông cảm và chúc mừng !.
           III/ Nhà thơ Việt Nam- chuyên viên cao cấp-Phó chủ tịch Hội-Tổng biên tập Tạp chí VNĐN ĐÀM CHU VĂN
1/ Về tài thơ: Công bằng mà nói nhà thơ này cũng có được ít bài  kha khá tạm gọi là thơ. Số còn lại ra vẻ là thơ vậy thôi mặc dù tác giả cố tình làm duyên làm dáng nhưng vẫn không sao tạo nổi phong cách riêng. Vào khoảng những năm 70 -80 của thế kỷ trước khi ấy nhà thơ của chúng ta mới ngoài 20 tuổi tôi đọc thơ của chú Văn thấy lộ rõ giọng điệu của Vũ Đình Văn, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu…về sau này thơ Văn có khá hơn nhưng nhìn chung không có những câu thơ tài hoa, không có những sự bức phá, phát hiện. Nhưng phần làm duyên dáng cố tỏ ra ta đây thì ngày một rõ rệt hơn.
         Cũng bởi vì thơ Văn chỉ dừng lại ở mức trung bình cho nên khi ngồi vào chiếc ghế Tổng Biên tập Tạp chí thì Văn đã cho duyệt đăng nhiều bài thơ yếu kém cả về nội dung lẫn hình thức. (Ấy là chưa kể vì tình hữu hảo, hữu nghị Tổng Biên Tập đã duyệt cho đăng nhiều bài thơ loại 2, loại 3 của các nhà thơ “nhớn” trong nước và các tỉnh khác.) Tôi nói có sách mách có chứng: Xin cứ lấy tạm Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai số 59 thì cũng đủ rõ.
(Xin mở ngoặc là trong Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai số 59 ra tháng 3&4/2011 có 23 bài thơ của 22 tác giả thì có tới 9 bài  thuộc loại thơ phế phẩm hoặc có vấn đề. Tôi xin được phép bình 9 bài thơ này vào dịp thuận lợi bởi vì hôm nay không có thời gian)
          Chưa hết: Chính vì tài thơ của chú Năm chẳng đáng là bao nhưng lại cố tỏ ra là mình quan trọng cho nên nhiều năm qua số Hội viên mới Ban Văn – Thơ của Hội được Văn tham mưu cho cấp trên xét duyệt kết nạp đều là lớn tuổi đã đành mà điều đáng nói là phần chuyên môn của họ thì thật là tồi tệ. Thơ phú của những hội viên này chỉ là dạng dùng cho báo tường người cao tuổi giải trí chứ nhất quyết không xứng đáng là tiếng nói đại diện cho nền văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai được.
2/ Phần lãnh đạo: Nhà thơ Đàm Chu Văn là một con người hãnh tiến, ham quyền lực, lúc nào cũng tỏ rõ mình là một nhà mô phạm, gác cổng văn hóa tư tưởng cho Đảng cho chính phủ nhưng hiệu quả công việc thì ngược lại. Tôi xin lấy trách nhiệm mà cảnh báo chắc chắn rằng:-Nếu cấp trên tiếp tục giao những những trọng trách cao hơn cho nhà thơ của chúng ta thì con người này sẽ là một ông quan cách mạng hoàn hảo.
            Trên đây tôi chỉ mới phát biểu về 3 vị lãnh đạo của Hội.
             Ngoài ra, vấn đề lèm nhèm cũng cần được mổ xẻ:- Ấy là vấn đề tài chính.
                                    Xưa kia tiền ít tình nhiều.
                                   Ngày nay tiền tỉ thì tiêu mất tình!
            Kính thưa ban lãnh đạo Hội và các anh chị!
            Hội VHNTĐN là một hội nghề nghiệp đặc biệt, quyết không phải là chốn xôi thịt, càng không phải là nơi mua quan bán chức cầu vinh, cầu lợi.  Vì một môi trường minh bạch, vì một nền văn hóa Đồng Nai hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nên tôi mạnh dạn phát biểu hết những suy nghĩ của mình. Mong rằng thuốc đắng dã tật mà Hội sẽ tự lột xác đi lên.
            Còn như những lời nói của tôi là vô giá trị, chó sủa ma, Hội ta vẫn như cũ thì tôi cũng xin tự kiểm điểm lại mình mà rời cuộc chơi bởi vì tôi không đủ tầm để sinh hoạt chung với các con người này được. Ba vị mà tôi vừa góp ý, nếu quý vị thấy tôi ăn nói thẳng thắn là xúc phạm, là khó nghe thì xin quý vị hãy chiếu theo điều lệ mà khai trừ tôi ra khỏi Hội của 3 vị càng sớm càng (muộn)tốt.
           Cuối cùng xin chúc ban Văn học và Hội ta khỏe mạnh, chúc cuộc trao đổi thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cám ơn!”
          Anh lại nộp bài cho thư ký và phân phát cho Hội viên. Có lẽ cũng gần 3 chục bản…
         Ô hô! Ngọn lao quá độc! Những tưởng hôm nay đem quyền uy ra đe dọa những kẻ bất đồng, ai ngờ lại tạo diễn đàn cho chúng “chửi”. Mà chửi mới rát làm sao?! Ngoạn mục làm sao?
          Ông Nam Ngữ mồm chữ a mắt chữ o lúng búng tự nhận là thời gian qua vì quá lo lắng công việc nên ông đã không sáng tác.Vân vân và vân vân…
DSCN6473.JPG
                                                    Chủ tịch Nguyễn Nam Ngữ tiếp thu
             Ông Khánh Hòa thì xin ghi nhận những góp ý nhưng cũng xin giải thích một chút xíu là ông đã có rất nhiều Huy chương vàng hội diễn trung ương, chứ không phải vô danh tiểu tốt… Còn hiện nay ông ở tại văn phòng Hội là vì lý do kiêm chức bảo vệ(!!??) (điều này nghe không rõ!).
DSCN6482.JPG
                                 Phó chủ tịch Nguyễn Khánh Hòa tiếp thu
             Đến đây thì nhà thơ đại tá Lê Bá Ước- phải nói ông là người chính ủy có kinh nghiệm- đã mở đường danh dự cho ban chấp hành Hội. Ông kịch liệt  lên án Tú Thịt Hộp là người hèn đã làm thơ phê phán mà không chịu nhận. Rồi ông dỗ dành Ban chấp hành là phải rút kinh nghiệm làm cho tốt hơn và nhắc lại ý kiến của Lê Liên là nên chấm dứt cuộc tại đây. Để tai tiếng thế này thì còn gì là Hội nữa. Mọi người hãy thương yêu nhau rút kinh nghiệm mà xây dựng Hội có tốt hơn không? 
         Bỗng một ý kiến rất nhỏ nhẹ của nhà văn Đào Sĩ Quang làm mọi người chú ý. Ông nói đại ý: ông “rất xúc động và muốn khóc khi nghe Đại tá Lê Bá Ước phát biểu. Đúng, Hội ta nên dừng ngang đây. Nói ra nào có ích lợi gì? Trưa nay, tôi xin mời các anh Nam Ngữ, Khánh Hòa, Lê Đăng Kháng… Anh Xuân Bảo, anh Võ Nguyện, anh Đào Trọng Thử đến nhà tôi, tôi sẽ đích thân làm bữa cơm thân mật đãi các anh. Đó, tôi mời thật lòng đó hãy thương yêu nhau là hơn. Còn nếu các anh không chịu thì tôi xin nhận Tú Thịt Hộp là tôi. Tôi quá đau lòng…”
            Ông Nam Ngữ nghe có người đòi nhận là Tú thịt Hộp nhưng giả vờ không chú ý. Ông nói là sẵn sàng nghe theo góp ý của “hội nghị” xin thư ký lưu biên bản.
           Nhưng ông Khánh Hòa không chịu, đòi phải làm đúng thủ tục nghĩa là anh Lê Đăng Kháng phải chính thức rút đơn và phải có biểu quyết của Hội nghị.
           Nói là làm. Nhà văn Lê Đăng Kháng đã đứng lên công bố xin rút 2 lá đơn. Anh Khánh Hòa lại yêu cầu các người có phát biểu bằng văn bản thu hồi lại các bài của mình, anh hỏi từng người Xuân Bảo, Võ Nguyện, Đào Trọng Thử và họ cũng đồng ý. Thế là biểu quyết. Sau khi đồng chủ tịch Khánh Hòa hỏi ai còn ý kiến gì nữa không? Không ai trả lời, vậy xin hỏi ai đồng ý để anh Đăng Kháng rút đơn, thu hồi lại các bài phát biểu bằng văn bản và từ nay Hội chúng ta không nhắc tới chuyện này nữa.Tất cả dong thẳng tay, chỉ trừ Đào Trọng Thử ngồi yên. Xin hỏi vì sao? – Tôi đã phát biểu là sau khi đọc xong văn bản thì các anh khai trừ tôi nên không có quyền biểu quyết(!). Thu Hằng bảo:- Ai cho phép khai trừ anh? Thế là Đào Trọng Thử vui vẻ dong tay. 100% đồng ý.
          Lúc này là 1 giờ chiều. Chủ Tịch Nguyễn Nam Ngữ giữ lời hứa mời tất cả mỗi người một tô phở Quyền.
          Đói bụng quá ,ai cũng ăn rất ngon, nhưng không biết ông chủ tịch bỏ tiền túi ra mời hay lại trích trong ngân quỹ hội?. Chẳng thành vấn đề, chỉ biết tiệm Phở Quyền hôm nay đắt khách là nhờ Hội ta "làm Văn học nghệ thuật" đấy!  Một kiểu làm lạ lùng!!
         Ha ha ha…
         Nhớ lại những lời phát biểu của nhà thơ Xuân Bảo- không, phải gọi là nhà tiên tri mới đúng:
          “… thì chính những người tự nhận vơ, đem tài liệu không rõ ràng vào phát tán trong Hội rồi mở cuộc họp vạch lá tìm sâu vô bổ, làm mất thời gian hôm nay đích thị là những người….”
            Ha! ha! ha!… khặc! khặc! khặc!...   
( Bài viết chấm dứt ngang đây. Xin để một thời gian trên blôg cho anh em trong cuộc góp ý xem mình viết có trung thực không? Nếu đúng hoàn toàn thì lưu lại để đời, ít nhất cũng là kinh nghiệm cho ban chấp hành nhiệm kỳ tới. )
 
4000 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét