Tin buồn – tin vui.
Báo Văn Nghệ tỉnh Đồng Nai quả là tờ báo nhớn, có nhiều trang mục hấp dẫn.
Trong các trang mục đó có lẻ mục cáo phó (xuất hiện với tần suất dày đặc) là đậm tính thông tin và nghệ thuật nhất, đáng để chúng ta nghiên cứu học tập hiện nay.
Câu đầu tiên phải nói khi tìm hiểu chuyên mục này là tờ báo đã có một tổng biên tập cực giỏi, cực tài, dám làm những chuyện lạ đời. Không đâu có được!
Cách đây khoảng hơn chục năm khi hệ thống nghe nhìn còn lạc hậu, người ta mới đăng cáo phó lên báo hoặc sang lắm là lên ti vi (ti vi lúc đó không có chương trình, mỗi ngày chỉ phát mấy giờ còn là chạy thử quảng cáo), Còn bây giờ xã hội cách mạng thông tin, điện thoại cầm tay đến từng người, in tec nec đến từng nhà, thời giờ là vàng ngọc thì chẳng ai còn đăng cáo phó lên báo hoặc ti vi nữa. Họa là thần kinh chăng khi mở ti vi để xem cáo phó hoặc mua báo để đọc tin buồn. (Mà có muốn xem và đọc cũng không có cơ mà !) Thế mà Văn nghệ Đồng nai vẫn duy trì. Không giỏi sao được! Càng giỏi hơn là Văn Nghệ Đồng Nai là báo tháng, 2 tháng một kỳ, khi đọc được thông tin thì người chết đã qua lễ 50 ngày rồi. Xác thân đã thối rữa. Thế mà vẫn không sao. Vẫn “nghe tin cụ ông…, được tin cụ bà…(tên họ năm sinh hẳn hoi nhé) Là cha (mẹ) của Hội viên…đã …”
Hình chụp lại trên mấy số Văn Nghệ Đồng Nai 47, 48, 49.
Đến đây phải khen thêm một câu thật nức nở nữa là Ông Tổng biên tập rất có đầu óc tư duy, đã biết đổi chữ CÁO PHÓ ra TIN BUỒN. Nghĩa là trang này do báo tự viết, khổ chủ khỏi phải trả tiền nhờ đăng chi cả. Miễn phí hoàn toàn.
Lạ hỷ? Tỉnh Đồng Nai (là tỉnh lớn đối với cả nước) đang “khó khăn ngân sách”(?) nên mỗi năm chỉ hổ trợ Cho Hội VHNT ra được 6 số báo. Tại sao Hội không tiết kiệm số trang để đăng bài cho anh em mà lại chuyên đăng TIN BUỒN nhiều quá? Có số đăng cả 5 tin, chiếm cả 2 trang báo. Có ý đồ chiến lược gì chăng?
Chung quanh vấn đề này có quá nhiều cách lý giải.
Hãy bỏ qua lỗi có tính bôi bác khi một cụ ông qua đời ở tuổi 80 mà báo ghi là “hưởng dương”!. Việc này “lỗi tại cô đánh máy”rõ ràng ràng rồi, khỏi nhắc lại. Ở đây chỉ cần hỏi tại sao mẫu tin nào cũng có tên cha tên mẹ rõ ràng ràng, để làm chi vậy? Nịnh chăng? Khoe chăng? Có nhà thông thái trả lời ngay: - Không phải nịnh cũng không phải khoe, mà là báo hiếu đó. Bởi vì một người làm quan cả họ được nhờ, con cái làm văn nghệ, làm quan gia thì cha mẹ được ăn theo, khi chết được bêu danh khắp thiên hạ. Hỏi ai mà không sung sướng, không tự hào? Văn nghệ sĩ nào cha mẹ mất mà không được bêu thì nhục chết đi được. Còn nhớ nhà thơ Xuân Bảo nhà ở Biên Hòa, cách văn phòng Hội 1 con đường, không biết thẳng tính ăn nói sao đó để cho Ban biên tập phật ý. Thế là khi mẹ nhà thơ qua đời ở tuổi đại thượng thọ thì Báo không đăng một chữ. Tội nghiệp nhà thơ vì cảm thấy bất hiếu nên xấu hổ đòi mua bún thắt cổ tự tử. May mà bún trộn fọt - môn nhiều quá, bở bục nên thoát nạn.
Theo phong tục cổ xưa của dân tộc thì người chết nếu làm quan hoặc vua chúa thì đặt lại tên, nếu là dân thường thì trên bia mộ cũng không ghi tên mà là hiển tỉ, hiển khảo… mục đích là giấu tên thật, phòng khi con cháu ngỗ ngược bị người đời réo tên ông bà lên mà chửi. Bởi thế cũng ít người đăng cáo phó là vì ngại phải nhắc tên người quá cố. Thế nhưng ở đây, Ban Chấp Hành Hội và Ban Biên tập báo cứ nhơn nhơn réo tên người chết một cách hỗn xược không cần biết gia đình người ta có kiêng cữ hay không. Thật là một cách làm văn hóa thiếu văn hóa!. Nhưng, có lý do cả đấy. Họ nói như thế là khơi nguồn sáng tạo. Nghĩa tử là nghĩa tận, ai mà không xúc động khi nhìn đồng loại lìa trần. Biết đâu đọc tên ai đó lên văn nghệ sĩ lại xúc động mà sinh ra tác phẩm thì sao?. Lại nữa, đây là một đòn hù dọa rất ấn tượng trong nghệ thuật lãnh đạo có tính truyền thống của BCH Hội. Kiểu “không nộp bài đúng hạn thì lần sau BCH không mời đi trại” đó mà. Nhưng ở đây thâm hơn nhiều. Ví dụ, sau khi đăng tin mẹ chủ tịch qua đời thì ai cũng có quyền nói:.. “Này nhé, mẹ của chủ tịch chết rồi nhé. Tên tuổi đã trương mồn một lên báo rồi nhé. Hãy cố gắng mà làm chủ tịch cho tốt. Nếu không thiên hạ sẽ réo tên lên mà chửi đó nghe”. Sợ không? -Sợ quá đi chứ! Thằng nào mà dám…!
Văn nghệ Đồng nai số 60
Văn nghệ Đồng nai số 60
Lại có người nói là đăng TIN BUỒN tuy không thu phí nhưng lại có lời. Chuyện lạ? Mà đúng đấy. Bởi vì đăng tin này thì báo khỏi trả nhuận bút, tiền dư ra không lời là gì. Có thế mới có tiền bù cho nhóm lợi ích văn phòng chứ!.
Và đây có lẻ là ý kiến cuối cùng và đúng đắn nhất. Đó là Báo Văn Nghệ Đồng Nai làm rất tốt vai trò bảo tồn lịch sử. Sau này dù vật đổi sao dời, mỗi lần mở báo Văn Nghệ ra đọc lại thì ông này là ai, chết ngày nào, tại đâu ghi rõ ràng ràng. Không phải chỉ có 200 hội viên đâu nhé, mà đầy đủ họ tên của giới chức chính quyền tỉnh, lại có cả quan văn học văn chương khắp cả nước nữa đấy. Kinh lắm. Đáng được truy tặng huy chương vì sự nghiệp bảo tồn bảo tàng lắm lắm.
Văn bản bảo tồn
Văn bản bảo tồn
Vậy là có ích quá đi chứ. Tại sao ta không học tập và phát huy?
Nên chăng theo đà này đề nghị quý báo và ông Tổng biên tập đáng kinh (kính) mở thêm chuyên mục báo tin vui đại loại như: Thôi nôi, họp bạn, đám cưới…lấy tên là tin mừng.
Sau đây là một ví dụ:
“TIN MỪNG. Được tin ông Nguyễn Khánh Hòa là tân chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai sẽ tổ chức đám cưới cho con trai là Nguyễn Khánh Chiến… Hôn lễ sẽ được tổ chức vào ngày… tại…”
Vậy thay mặt Hội VHNT và Ban biên tập tạp chí Văn Nghệ xin thành thật chúc mừng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét