Muốn gà hay ăn chóng lớn thì người nuôi phải biết chăm sóc.
Muốn gà đẻ trứng tốt thì người nuôi phải biết thành phần thức ăn.
Người nuôi mà dốt nát về chuyên môn, thì gà tắt đẻ hoặc chỉ đẻ ra trứng non,trứng thối là lẽ thường.
Người lãnh đạo hay nói nôm na là người chỉ huy, người chăn nuôi mà không ra gì thì sản phẩm làm ra ắt phải kém chất lượng...
Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, ngay từ buổi sơ khai đã được những con người có tâm lại có tài như các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn lãnh đạo. Họ đã để lại cho Đồng nai những tác phẩm những công trình văn hóa đáng ghi nhận, đáng trân trọng. Tính từ ngày thành lập đến nay đã hơn 33 năm, thời gian đủđể trưởng thành, đủ để làm nên những điều to lớn...
Thế mà hôm nay nhìn lại thì…
Ngày 27 tháng 2 năm 2012, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội nghị chưa từng thấy, quy tụ hơn một ngàn đại biểu tham dự. Đó là Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết TW 4(khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong việc xây dựng Đảng hiện nay.
Hội nghị đã đưa ra những vấn đề cấp bách trong đó có:
- “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp”
- “Xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...”
Liên hệ với thực trạng của Hội Văn nghệ Đồng Nai chúng ta nhận thấy có một số vấn đề nổi cộm:
● Một là, cơ quan lãnh đạo của Hội có biểu hiện suy thoái về tư tưởng. Trong đó tiêu biểu nhất là chủ tịch Hội. Ông là người thiếu năng lực, chuyên quyền độc đoán bảo thủ và trì trệ. Ông đã ôm chức chủ tịch, ngồi ròng rã 10năm trời mặc cho anh chị em văn nghệ sĩ nhiều lần yêu cầu hãy rời khỏi chiếc ghế. Ông ta thực sự là một con người tham quyền cố vị nhưng lại bất tài quan liêu xa rời thực tế. Trong cuộc họp Tổng kết năm 2011, lão Phạm Quốc Côn (ban Sân khấu Điện Ảnh) đã phát biểu công khai trên diễn đàn rằng: “Chủ tịch Nguyễn Nam Ngữ là người nhu nhược…”.
Thứ đến là ông phó chủ tịch thường trực Nguyễn Khánh Hòa. Ông này xuất thân từ một CLB văn hóa quần chúng của một công ty sản xuất kinh doanh nhảy lên lãnh đạo một cơ quan văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh, đứng trên đầu trên cổ những cây đa cây đề trong làng văn nghệ. Phó chủ tịch hội này cũng quen thói của một anh chàng công chức cạo giấy mẫn cán ra trò.Tất cả những văn bản ông tham mưu đều không những sai văn phạm mà còn sai cả nội dung, điều này xác nhận tầm văn hóa thấp kém của ông. Trong cuộc họp tổng kết năm 2011 vừa qua tại Hội trường thư viện Tỉnh ông giải thích chuyện cho thuê văn phòng Hội (cho Việt Ka thu âm, cho Duy Việt bán hoa, cho Sơn Hà bán đàn). Ông Hòa nói rằng là để tăng thu nhập cho những người làm văn phòng Hội. Có đúng như vậy không hay để chia nhau từ ông chủ tịch đến cậu chạy công văn giấy tờ? Những khoản thu nhập đó cơ quan Tài chính của tỉnh có biết không, có đưa vào sổ sách kế toán không? Các giải thích này là thiếu thuyết phục.
● Hai là, đối với văn nghệ sĩ, một người là một “thế giới” riêng. Lãnh đạo một thế giới đã khó huống hồ lãnh đạo cả 200 thế giới (hội viên trong Hội) thì còn khó khăn biết nhường nào. Thế nên người lãnh đạo phải có tầm, có tâm đoàn kết anh em. Hội là ngôi nhà chung để văn nghệ sĩ lui tới, nhà thơ Hoàng Vĩnh Phú, nguyên phó chủ tịch tỉnh- người hội viên đầu tiên của Hội đã có lần nói rằng: “Hội là nơi vun đắp, bồi dưỡng những tài năng văn học nghệ thuật là tiếng chim gọi đàn cùng nhau hội tụ để cất cánh bay cao, bay xa vào chân trời Chân- Thiện- Mỹ.” Còn bây giờ thì sao?
Ngày càng có thêm hội viên xa lánh Hội. Cụ thể nhất là lão nhà thơ, nhà văn Lê Bá Ước từ bỏ hội một cách ngậm ngùi. Đó là chưa kể một số anh chị em khác từ bỏ Hội không một lời chia tay, không một lời hẹn gặp lại. Than ôi!
●Ba là, Ban lãnh đạo Hội vốn thiếu cái tâm và không có cái tầm. Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Nga Konxtantin Pauxtopski: “Sáng tác của chúng ta được tạo ra là để cho cái đẹp của đất đai, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn người, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để chúng vĩnh viễn rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”.(Tác phẩm Bông hồng vàng)
Có bao giờ ông Nguyễn Nam Ngữ hiểu nỗi rằng những văn nghệ sĩ chúng ta là những con người trí tuệ không? Là những con người vì cái đẹp cao cả, lúc nào cũng hướng tới cái tuyệt mỹ chứ không như ông đánh giá Hội là nơi “so bì quyền lợi” như ông vẫn hằng nghĩ đâu.
Đại hội V của Hội sắp tới rồi. Chuẩn bị nhân sự là một việc làm cần thiết.Tôi nghĩ rằng Hội ta cần mạnh dạn cải cách và cơ cấu lại tổ chức nhân sự Ban Chấp hành, để người mới có đủ năng lực, tránh những sai lầm, khuyết điểm mà BCH và Thường trực Hội đã mắc phải trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.
Mấy ý kiến thô thiển tôi nêu ra đây cũng nhằm làm cho Hội ta xứng đáng là một Hội tầm cỡ, xứng đáng là những văn nghệ sĩ của môt vùng địa linh nhân kiệt, nối tiếp truyền thống của Gia Định Tam Gia.
Nhà thơ Xuân Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét